Tin mới
Đang tải...
Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Thời gian vừa qua Sơn nhận được khá nhiều câu hỏi tâm tư của các Bạn liên hệ với Sơn để nhờ tư vấn định hướng lộ trình học trong ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT), đa phần các Bạn là những người mới bước chân vào ngành này sau kỳ thi tuyển sinh đại học và đang rất háo hức muốn có thể bắt đầu ngay với ngành, một số là những Bạn đã trải nghiệm với ngành được vài năm trong trường đại học nhưng vì học không được nên đâm ra chán nản mất định hướng. Dù đã rất cố gắng nhưng cũng không nói chuyện hết được với tất cả các Bạn nên Sơn viết hẳn ra chuỗi bài chia sẻ về ngành CNTT này để những Bạn nào có trong các tình huống trên hãy đọc để thực sự hiểu rõ hơn về cái ngành CNTT này nhé.

Nếu Bạn không nằm trong những tình huống trên và hiện đang học tốt với ngành CNTT này thì Sơn thực lòng khuyên Bạn vẫn cứ nên xem qua hết chuỗi bài chia sẻ của Sơn về ngành này đi, biết đâu có những cái Bạn sẽ phải thốt lên “ồ thì ra ngành mình đang học thú vị đến như vậy sao?”. Tin Sơn đi, không bổ ngang cũng bổ dọc, có cái để định hướng cho các đàn em của Bạn.


Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả sau khi đã lặn ngụp trong ngành và có cơ hội được trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống để có được cái nhìn tổng quan đúc kết. Mọi ý kiến thảo luận rất mong nhận được phản hồi với tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Phần 1: Người chọn nghề hay … Nghề chọn người?




Đối với quan điểm của mình thì mọi thứ chỉ mang tính chất “tương đối” trong cuộc sống này. Ngay cả khi Bạn trắc nghiệm bản thân (tự trắc nghiệm nhìn nhận, nghe các buổi hội thảo định hướng hay đi xem các thứ như sinh trắc vân tay …) tất cả đều không có gì là chắc chắn để kết luận Bạn phù hợp với ngành này mà không hợp với ngành kia. Bạn chỉ có thể chắc chắn được chỉ khi Bạn đã thực sự trải nghiệm trong ngành để có thể hiểu về ngành (tất cả mọi mặt) - hiểu về điều mà bản thân Bạn muốn làm được trong cuộc sống này (cảm thấy hứng thú mang lại cảm hứng động lực) và cuối cùng là đã nỗ lực hết sức với con đường mà bản thân đã chọn.

Mình đã từng nói chuyện với rất nhiều em mới bước chân vào ngành và nói với mình là chọn ngành này do gia đình lựa chọn chứ bản thân em không thích. Vẫn như thường lệ mình hỏi “Vậy em thích làm được điều gì trong cuộc sống này?”. Và em ấy trả lời “thích làm ra những thứ có thể gắn kết mọi người với nhau, mang lại niềm vui hạnh phúc cho mọi người”. Vậy mình mới phân tích cho em ấy thấy rằng điều em ấy muốn nó là mục đích. Và để đạt được mục đích đó thì có rất nhiều công cụ giúp em làm được. CNTT là 1 trong số những công cụ có thể giúp em làm được điều em ao ước.

Hãy nhìn thực tế mà xem:

1/ Nhờ CNTT mà mọi người xích đến gần nhau hơn. Ngày xưa gửi 1 lá thư phải ngóng trông cả tháng trời mới đến tay người kia, rồi phải ngóng trông thêm cả tháng nữa mới nhận được thư hồi âm. Còn ngày nay đã có thư điện tử (Email) gửi cái nhận được phản hồi ngay. Thậm chí các mạng xã hội kết nối mọi người với nhau, có thể chat trao đổi liên tục với nhau, hiểu về cuộc sống của nhau qua các dòng trạng thái status, các thước phim, hình ảnh … (Chúng ta bỏ qua các vấn đề tiêu cực của một bộ phận những người lạm dụng mạng xã hội mà tách biệt hẳn khỏi cuộc sống thường ngày nhé).

2/ Từ xưa đến nay muốn nghe tiếng nói của nhau phải tốn tiền điện thoại, đặc biệt là các gia đình có con cái đi du học, có vợ/chồng đi xuất khẩu lao động thì tiền gọi quốc tế còn mắc dữ nữa. Nói chuyện với nhau mà phải đong đếm từng phút giây hoặc nhiều khi chưa nói xong đã tắt cái bụp do hết tiền điện thoại. Còn giờ đây chỉ cần có kết nối Internet (Wifi/3G) là đã có thể nói chuyện với nhau thỏa thích không chỉ nghe tiếng mà còn có thể nhìn thấy hình ảnh thông qua các công cụ như Skype, Messenger, Video Call … nói từ sáng đến tối khi nào hết pin thì thôi không phải lo lắng thấp thỏm nữa.

Và còn rất nhiều những thứ hay ho nữa không thể kể hết nhờ công nghệ mang lại.

Hãy nghĩ đến hình ảnh cặp đôi yêu thương nhau mặn nồng nhưng vì lý do mà phải cách xa địa lý. Khi nhận được Email của người kia một nụ cười nở trên môi và lòng trào dâng cảm xúc.

Hãy nghĩ đến hình ảnh Cha Mẹ đi làm xa nhìn thấy mặt con cái qua điện thoại, nghe tiếng con bập bẹ tập nói mà thật ấm lòng ở xứ người.

Vậy như thế có đúng với mục đích của em là gắn kết mọi người, mang lại niềm vui hạnh phúc chứ?

Các em à, trước tiên các em cần phải hiểu rõ bản thân mình muốn làm được cái gì trong cuộc sống này – nó gọi là mục đích sống. Và từ đó các em mới xuất phát đi tìm ra các công cụ để giúp các em đạt được mục đích đó. Các em phải chịu tìm hiểu hoặc nói chuyện thổ lộ với những người đã có trải nghiệm trong cuộc sống để có được sự hiểu biết đúng.

Còn lại thì Anh nói với các em thế này, thực tế để đạt được mục đích nó có rất nhiều công cụ để giúp các em có thể đạt được. Nếu như mục đích của các em là có một nghề nghiệp ổn định trong cuộc sống này để có thể lo lắng cho Cha Mẹ thì ngành nào cũng có thể giúp các em làm được không riêng gì CNTT. Nếu như các em muốn mang lại giá trị cho cuộc sống thì thực sự ngành nào cũng mang lại giá trị cũng không riêng gì CNTT. Ví dụ như làm đầu bếp mang lại những bữa ăn ngon, quét rác giúp đường phố sạch và an toàn hơn, bác sĩ cứu chữa được cho nhiều người…

Vậy các em đứng ở giữa quá nhiều công cụ như vậy thì các em cần phải chọn ra 1 cái khởi đầu và các em hãy mạnh mẽ vững bước đi với nó vì cuộc sống vi diệu lắm các em à, bằng một sợi dây liên kết vô hình nào đó các em sẽ bị kéo đi xa hơn cả ban đầu các em dự tính. Có thể ban đầu các em dự tính chỉ 1 nghề nhưng sau cùng có khi các em được nếm trải cả 4, 5 nghề là chuyện rất bình thường (Anh là 1 ví dụ đây). Nhưng nếu các em không mạnh dạn đi bước đi đầu tiên và quyết tâm tới cùng với nó thì các em sẽ vẫn mãi đứng đó không làm được gì cả.

Các em đi các buổi hội thảo tư vấn và cảm thấy mình phù hợp với ngành này, đến khi vào rồi thì cái gì cũng có cái khó khăn gian nan của nó chứ xã hội bây giờ chẳng có cái gì ngồi mát ăn bát vàng cả đâu các em ạ. Gặp chút khó khăn các em lại chán nản và nghĩ rằng mình không phù hợp với ngành này? Ngày xưa chọn sai lầm? Thực sự Anh nói thật với các em là các em không sai gì cả, chẳng qua là các em làm chưa đúng thôi. Các em hãy tự hỏi bản thân mình “đã nỗ lực hết sức chưa?”. Các em có thực sự hiểu bản thân mình muốn làm gì? Có thực sự hiểu đúng về cái ngành mà các em đang dấn thân chưa?

Vậy nên nếu các em vì lý do gì đó đã chọn vào với ngành CNTT này rồi thì các em nên biết là giữa các em với ngành này nó có mối lương duyên và nghề đã chọn các em rồi đấy nhé chứ các em không có chọn nghề đâu.

Trước tiên các em cần phải hiểu rõ chính bản thân các em thực sự muốn làm được điều gì trong cuộc sống này? – nó được gọi là mục đích sống. Điều này chính bản thân các em nên ngồi lại tĩnh tâm để nhìn nhận lại và hiểu về bản thân mình hơn. Chỉ có chính các em mới nhận ra được chứ không ai cả vì nếu bản thân mình mà mình còn không biết mình thích gì? muốn làm được gì thì liệu ai đó giúp cho mình được? Tất nhiên có 1 số yếu tố tác động đến các em để có thể hiểu hơn mình thực sự thích và mong muốn làm được gì? đó là các em hãy đứng dậy và đi ra thế giới ngoài kia nhiều hơn để có được nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn trước giờ và cho phép bản thân tiếp cận với những thử thách của cuộc sống (Vd: Đi làm thêm tự lo cho bản thân). Chịu khó đọc các nguồn tài nguyên vô giá như sách để mở mang ra cho các em nhiều kiến thức và hiểu biết.


Sau đó các em hãy thực sự hiểu về ngành nghề mà các em đang theo đuổi trước khi có thể kết luận liệu nó có giúp các em đạt được mục đích sống hay không? Bằng việc các em hãy có sự đầu tư tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành qua các bài chia sẻ - định hướng, chịu tìm kiếm những người có kinh nghiệm chuyên môn để nghe chia sẻ cảm nhận. Tất cả mọi thứ đều có hết nhưng nó sẽ không tự tìm đến các em mà chính các em phải tìm đến nó. Trong khả năng của Anh qua xuyên suốt chuỗi seri bài viết chia sẻ về ngành CNTT này sẽ cố gắng cho tụi em nhìn thấy những gì Anh cảm nhận được về ngành này.

Và điều cuối cùng đó là tự hỏi bản thân mình: “ĐÃ NỖ LỰC HẾT SỨC CHƯA?” trước khi muốn bỏ cuộc. Đừng cho phép bản thân quyền chấp nhận thất bại? Hãy nghĩ đến sự hi sinh công sức nỗ lực cố gắng của Cha Mẹ đã lo cho các em ăn học, công sức dạy dỗ của Thầy Cô cho các em nên người. Bản thân các em đã có báo hiếu được cho Cha Mẹ ngày nào chưa? Hạnh phúc duy nhất của Cha Mẹ ngay hiện tại có phải chỉ đơn giản là nhìn thấy các em hăng say nỗ lực học và nên người? Hãy nhớ những lời này của Anh các em nhé!



Cảm ơn tất cả những ai đã đọc đến tận đây. Sơn chúc tất cả các Bạn đều sẽ tìm ra được mục đích sống của mình, tìm ra một công cụ khởi đầu cho hành trình và kiên trì nỗ lực gặt hái thành công. Sơn mong nhận được những phản hồi của các Bạn dưới bài viết này để Sơn có thêm động lực chia sẻ nhiều thứ nữa nhé.

Đến đây là đã kết thúc phần 1 rồi, mời các Bạn bấm vào đây xem tiếp Phần 2: Những điều hay ho của ngành CNTT – Cơ hội và Thách thức cho những ai dấn thân với ngành.


Nguyễn Việt Nam Sơn
.
FOUNDER & CEO Công ty Việt Nam Sơn
.
Mobile: 01267.666.702

0 nhận xét:

Đăng nhận xét